Chào mừng quý vị đến với website của Nguyễn Phước Tỉnh
Nếu chưa đăng ký, hãy nhấn vào chữ ĐK thành viên ở phía bên trái, hoặc xem phim hướng dẫn tại đây
Nếu đã đăng ký rồi, quý vị có thể đăng nhập ở ngay phía bên trái.
Tuyển tập Tình Núi
Bất chợt một buổi chiều, lòng bỗng thấy bâng khuâng khi gió lại về mơn man những chiếc lá thắm trên vòm cao đã chớm sang đông. Khắp nẻo sơn khê vẫn phủ một màu xanh bàng bạc, duyên dáng đẹp đến nao lòng. Giờ đây người ta đã nghe rét mướt luồng trong gió, mang theo hơi hướng quen thuộc của núi rừng là sự cộng hưởng của mùi lá núi, của hoa rừng, của nhựa cây, của lá thu vừa rụng, của mùa nương rẫy chín, của khói lam chiều và của mớ măng rừng trên lưng của các cô sơn nữ...
Mấy ai đã một lần lên vùng cao mà không cảm nhận được vẻ đẹp đến nao lòng của núi rừng trong những ngày chớm đông. Chính cái vẻ đẹp đó đã khiến cho bao lữ khách tha phương một khi đến với rừng trong những ngày tại sơn chợt nghe lòng ấm lại và giúp cho những thầy cô giáo mang tri thức lên miền ngược quên bẵng đi nỗi nhớ quê nhà. Và tự bao giờ tận đáy lòng chúng ta, núi rừng đã nghiễm nhiên trở thành quê hương. Chúng ta đã gắn bó với rừng, đã yêu rừng bằng một tình yêu sâu lắng, đằm nặng cõi lòng.
Hãy thả bước trong chiều lắng nghe rừng tình tự, chúng ta chợt thấy lòng nhẹ lâng lâng, thấy như yêu hơn niềm tin vào con đường mà ta đã chọn. Ngày xưa, lên rừng với ý tưởng: “trồng người ở vùng cao”, chúng ta thấy phiêu diêu có khác nào trồng hoa trên sỏi đá. Song lẽ, vô hình chung, chúng ta lại được: “lâm sơn ngoạn nguyệt”, được tận hưởng những thứ tình kỳ diệu mà chỉ những nơi đại ngàn như Nam Trà My mới có. Chúng ta thầm cảm ơn tạo hóa đã ban đặc ân cho mảnh đất siêu nhiên này một vẻ đẹp hiếm thấy, đẹp đến mê hồn và một thứ tình rất lạ, rất duyên. Chúng ta phần nào đã bớt đi trăn trở và tự cho mình mỉm cười trước mạng mạch của núi rừng đang được khai sáng với tình người, tình đời, tình núi ngày càng dìu dặt, lan tỏa, mênh mang...
Để kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tập thể CB-GV-NV trường THCS-BTCX Trà Don cho ra mắt tuyển tập Tình núi. Tình núi là những nỗi niềm tâm sự, tự tình, là những ngày tháng không tên của những thầy cô giáo trẻ đang ngày đêm chăm những luống hoa chờ ngày kết trái, là những tiếng lòng thốt ra từ chính trái tim, là những suy tư, trăn trở đối với hồn đất và tình người nơi đại ngàn Nam Trà My yêu dấu!
Xin tri ân những tấm lòng đồng cảm!
Ban biên tập
Bảy năm một chặng đường
I/ MỞ ĐẦU:
Quy luật phát triển không đều về thể chất, tâm sinh lý, về trí lực của trẻ em nói chung, của lứa tuổi thanh thiếu niên nói riêng là tất yếu. Vì vậy nền giáo dục của các quốc gia và của Việt Nam đều phải quan tâm đến quy luật này trong hoạch định đường lối giáo dục của mình. Việc thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo đề ra mục tiêu của giáo dục là “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài” đã thể hiện vận dụng quy luật nói trên của Đảng và nhân dân ta. Đặc biệt Đảng ta coi trọng khâu “đào tạo nhân tài” cho đất nước.
Thấm thoắt đến nay Trường THCS-BTCX Trà Don đã tròn 07 tuổi - một chặng đường không dài nhưng là những bước đi ban đầu đầy khó khăn thử thách, nhất là những năm từ những ngày mới chia tách trường phổ thông cơ sở Trà Don thành hai đơn vị trường học đó là trường THCS-BTCX Trà Don và trường tiểu học Trà Don. Nó đặt ra những vấn đề cơ bản phải giải quyết.
Xác định rõ mục tiêu của Trường THCS-BTCX Trà Don là gì? Nội dung chương trình các môn học phải như thế nào để phù hợp với đối tượng học sinh, tổ chức tuyển chọn đội ngũ giáo viên và học sinh như thế nào? Điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, chế độ chính sách đối với thầy và trò trường chuyên biệt? Tất cả những câu hỏi đó chưa có văn bản chính thức nào của cơ quan chủ quản là Phòng GD&ĐT. Nhớ lại buổi đầu thành lập trường, ai cũng không khỏi ngậm ngùi: Toàn trường có 2 lớp với tổng số học sinh là 42 và 06 thầy cô giáo kể cả cán bộ quản lý và giáo viên; bàn ghế, giường ngủ học sinh không có, tối đến các em phải co ro bên ánh đèn dầu để học từng con chữ.
Khi mùa đông đến, những cơn lạnh như buốt da, các em chỉ có một manh áo mỏng chống chọi với cái rét và những cơn sốt rét rừng. Thầy cô giáo không có Sách giáo viên, tài liệu tham khảo, các chuyên đề cũng không hoặc có thì rất sơ sài. Vì vậy giáo viên dạy phải “tự biên tự diễn” vừa dạy vừa học, vừa rút kinh nghiệm nhưng vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ của một người giáo viên.
Về cơ sở vật chất, từ năm 2002 đến năm 2009 chỉ có 4 phòng học cho khối 6, 7, 8, 9. Muốn học một ca để có phòng và thời gian cho bồi dưỡng học sinh, sinh hoạt chuyên đề, họp Hội đồng sư phạm, sinh hoạt các đoàn thể… rất khó khăn. Học sinh nội trú từ 80 – 100 học sinh (Ở thôn 3 Trà Don, Trà Linh, Trà Nam và Thôn 1 Trà Cang ) ở trong 08 phòng nên vừa chật vừa nóng nực. Phòng làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, thư viện, thiết bị, bộ môn, đa năng, nhà công vụ giáo viên cho học sinh đều không có. Các nhu cầu làm việc của các bộ phận, hành chính đều quá chật chội. Nói như vậy để thấy từ lãnh đạo đến các thầy, cô giáo đều dành ưu ái cho việc học tập của học sinh. Không có phòng làm việc nhưng phải dành các phòng chứa tất cả dụng cụ, hóa chất, bản đồ… Chủ yếu giáo viên mang dụng cụ lên lớp làm một số thí nhiệm minh hoạ bài giảng, học sinh không thể tiến hành thực hành được.
Về chế độ chính sách học bổng, chỉ có 70.000 đồng/ 1 tháng/ 1 học sinh; giáo viên thì cũng chỉ mắm muối với rau rừng.
II/ MỘT SỐ KẾT QUẢ VỀ CÁC MẶT GIÁO DỤC:
Qua 7 năm, nhà trường đã đứng vững, phát triển cả về số lượng và chất lượng: Năm đầu thành lập trường chỉ có 2 lớp với 42 học sinh đến nay 8 lớp với 203 học sinh. Số học sinh khá giỏi cũng tăng lên đáng kể. Năm 2002 chỉ có 6 thầy cô giáo đến 2009 có 22 Cán bộ, giáo viên công nhân viên
* Những con số thống kê nêu trên giúp chúng ta thấy được:
Nhiệm vụ nhà trường ngày càng nặng hơn, vì số lớp, số học sinh ngày càng tăng, nhất là khi nhập thêm học sinh thôn 1 Trà Cang. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhiệm vụ, đến nay vẫn phải học 2 ca. Thí nghiệm, thực hành chưa đáp ứng được mới chỉ biểu diễn các thí nghiệm cho các em thấy trong giảng dạy
Mục tiêu chủ yếu là để các em bước vào bậc Trung học phổ thông học tốt để sau này sẽ là những cán bộ phục vụ cho địa phương, đem cái văn minh về cho bản làng. Trong những năm qua học sinh từ mái trường này đã tiếp tục theo học các cấp cao hơn. Đến nay có 1 em học năm 3 Đại học sư phạm Huế đó là em Trần Hải Quỳnh và 1 em tốt nghiệp Trung cấp Tin hiện nay đang công tác tại trường đó là Hồ Văn Tiếu và còn 1 số em khác ...
Những mặt hoạt động khác đã thể hiện việc giáo dục toàn diện trong nhà trường:
* Phong trào thể dục thể thao:
- Giải nhất bóng chuyền Nam trong giải thể thao học sinh năm học 2002–2003.
- Giải nhất bóng chuyền Nam trong giải thể thao học sinh năm học 2003-2004.
- Giải khuyến khích toàn đoàn trong tuần lễ thể thao giáo viên năm 2003.
- Giải nhì toàn đoàn trong giải thể thao học sinh năm học 2005-2006.
- Giải nhì bóng chuyền, bóng đá Nam bậc THCS năm học 2007-2008
- Giải ba cầu lông đôi Nam giải thể thao học sinh năm học 2007-2008
- Giải ba toàn đoàn trong giải thể thao học sinh năm học 2007-2008
- Giải nhất bóng chuyền Nam trong tuần lễ thể thao giáo viên năm 2007.
- Giải ba bóng chuyền Nam trong giải thể thao học sinh năm học 2008-2009
* Phong trào văn nghệ:
. Năm 2004: 1 giải nhì đơn ca, 1 giải nhất song ca toàn ngành Giáo dục Nam Trà My trong hội thi văn nghệ “Mừng Đảng-Mừng xuân”
. Giải nhất toàn đoàn trong hội thi văn nghệ “Mừng Đảng-Mừng xuân” năm 2004
. Giải khuyến khích Hội thi “ Nữ Cán bộ công chức-Viên chức người kinh nói giỏi tiếng dân tộc năm học 2007-2008”
. Năm 2009: 1 giải B; 1 giải C trong Hội thi Hát Dân ca CB-CNVC ngành Giáo dục huyện Nam Trà My năm 2009.
. Giải nhì toàn đoàn trong Hội thi Hát Dân ca CB-CNVC ngành Giáo dục huyện Nam Trà My năm 2009.
. Giải khuyến khích trong Hội thi CB – CNV người kinh nói giỏi tiếng dân tộc năm học 2009 – 2010.
* Đoàn – Hội – Đội
- Đạt giải tập thể trong thi viết thư quốc tế UPU với chủ đề: Tôi viết thư trao đổi với bạn em “ thiếu nhi chúng mình làm gì để giúp xóa đói giảm nghèo”
- Đội TNTP Hồ Chí Minh ba năm liền đạt danh hiệu Đơn vị xuất sắc trong các năm học 2006-2007; 2007-2008 và 2008-2009.
- Năm hoc 2002-2003 và 2004-2005 đạt danh hiệu trường Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Sở GD&ĐT; Phòng GD&ĐT khen tặng.
- Năm học 2007-2008 và 2008-2009 đạt danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến được Uỷ ban nhân dân huyện Nam Trà My khen tặng.
- Công đoàn 4 năm liền đạt danh hiệu Công đoàn vững mạnh xuất sắc năm học 2005-2006; 2006-2007; 2007-2008; 2008-2009 và năm 2007 được công nhận cơ quan có đời sống văn hóa.
- Năm học 2008-2009 được Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam tặng băng khen Công đoàn có thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn
- Năm học 2008-2009 được Công đoàn Ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam tặng giấy khen Công đoàn có thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn
- Chi bộ đạt chi bộ trong sạch vững mạnh trong các năm 2006-2007-2008.
Về cá nhân:
. 05 giáo viên được khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các năm 2007-2008-2009.
. 05 Giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Trung học cơ sở năm học 2008-2009
III/ BÀI HỌC RÚT RA VÀ KẾT LUẬN:
Hiệu trưởng và tập thể sư phạm nhà trường đã xác định rõ mục tiêu của nhà trường, xây dựng khối đoàn kết nhất trí trên mục tiêu nhiệm vụ chung. Tìm nhiều biện pháp tự nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, nâng cao lương tâm và trách nhiệm của người thầy, vượt qua những khó khăn trong công tác và cuộc sống đời thường để hoàn thành nhiệm vụ của một trong những “mũi nhọn”.
Đa số các em học sinh chăm học, có ý chí vươn lên trong học tập và rèn luyện, xác định rõ mục tiêu học tập nên đã khắc phục khó khăn, tin ở thầy, ở bạn và sự phấn đấu của mình nên đã đạt được những kết quả như mong muốn.
Sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện và Phòng GD&ĐT Nam Trà My, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Trà Don và của Hội cha mẹ học sinh đã giúp nhà trường về vật chất và tinh thần, gắn nhà trường với xã hội.Tranh thủ được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, ban ngành giúp nhà trường khắc phục khó khăn, duy trì phong trào thi đua 2 tốt, duy trì tốt sĩ số học sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ các năm học, chất lượng ngày càng được nâng cao
IV/ KẾT LUẬN:
Kết quả 7 năm qua của trường THCS-BTCX Trà Don chỉ là những kết quả bước đầu, song đã chứng minh cho quan điểm, đường lối chỉ đạo giáo dục của Đảng và Nhà nước ta trong việc chăm lo sự nghiệp đào tạo nhân tài là đúng đắn. Đây cũng là thành quả chung của ngành Giáo dục Trà My trước đây và Nam Trà My ngày nay.
Trước mắt chúng ta là những năm của thế kỉ XXI, nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với sự nghiệp “trồng người”, đặc biệt là nhiệm vụ đào tạo nhân tài – chất xám, nguồn tài nguyên quý giá nhất của đất nước. Chúng tôi mong mỏi các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đội ngũ thầy cô giáo về mặt nâng cao trình độ kiến thức, năng lực sư phạm; về điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần để anh chị em có thể hoàn thành trách nhiệm “đào tạo nhân tài” cho đất nước. Đầu tư về cơ sở vật chất tương xứng với nhiệm vụ được giao cho nhà trường. Cuối cùng mong rằng những kết quả đào tạo của Trường THCS-BTCX Trà Don và của các trường THCS-THPT được Ủy ban nhân dân huyện và tỉnh tạo điều kiện để học sinh trường THCS-BTCX Trà Don sẽ về phục vụ nhiều hơn cho huyện nhà và xã nhà.
Võ Đăng Chín
Hiệu trưởng Trường THCS-BTCX Trà Don.
(Tập thể giáo viên Tổ Khoa học Xã hội năm học 2002-2003 )
Mọi vật đều sợ thời gian bởi lớp bụi thời gian sẽ phủ mờ lên tất cả. Nhưng thời gian lại sợ các vĩ nhân bởi các vĩ nhân là trường cửu.
Tự làng Sen, . . . ngày ấy đã thành hình một vĩ nhân trên cả các vĩ nhân – đó chính là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Nhà thơ Bảo Định Giang đã viết :
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”
Cả cuộc đời, Người không màng danh lợi. Người chỉ biết chăm lo và hy sinh cho dân tộc, nước nhà tự do, no ấm cho những kiếp đời nô lệ.
“Sữa để em thơ, lụa tặng già”
(Tố Hữu)
Hôm nay ngồi đây viết về Người thì Người đã ra đi và yên nghỉ giữa ngàn thu Hà Nội, giữa lòng dân tộc đầy bóng tre trung hiếu.
Nghĩ về Người là nghĩ về một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn cảm hoá nhân gian. Đó là sự hoà quyện tuyệt vời những phong cách thi sĩ, nghệ sĩ, chiến sĩ và nhà giáo ưu tú. Dù tuổi cao, sức yếu, dù ở đâu, lúc nào, Người cũng dành phần nhiều thời gian dạy dỗ, bảo ban, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người luôn dành sự ưu ái cho ngành giáo dục và sự nghiệp trồng người cao cả, vinh quang.
Thư Người gửi cho các cháu học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau năm 1945, với những lời lẽ đầy trí tuệ và sâu sắc : “. . . Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu . . .”
Tư tưởng giáo dục của Người bao hàm và ẩn chứa trong vũ trụ những điều mà đến bây giờ vẫn vô vàn bổ ích cho ngành giáo dục :
“Vì lợi ích mười năm trồng cây
Vì lợi ích trăm năm trồng người”
Sau khi nước nhà độc lập (1945) hơn 90% dân ta mù chữ, Người đã trăn trở và kịp thời đề ra giải pháp diệt “giặc dốt”để khai sáng, khai trí nhân tâm bằng phong trào “ Bình dân học vụ” ; “Nhà nhà đi học, người người đi học”, học ở trong nhà, ngoài ngõ, ngoài đường, trước cổng làng, cổng chợ, . . .
Đứng trên tầm cao của thời đại, Người luôn phóng tầm mắt trí tuệ, dịu hiền về phía lớp trẻ, đặc biệt là các cháu thiếu nhi, những chủ nhân của đất nước tương lai. Không năm nào đến ngày khai trường, Người lại quên gửi thư cho các cháu. Truyền thống nhân văn, trọng đạo học hành ấy vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.
Từ những lời dặn dò ân cần với các cháu thiếu nhi :
“Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tuỳ theo sức của mình”
đến những lời di chúc cuối đời vẫn còn lưu dấu :
“Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Niềm mong mỏi và trăn trơ û vì thế hệ trẻ, vì sự nghiệp trồng người để suốt năm canh trường phải thao thức, Bác ơi!
Hôm nay, chợt ngồi nghĩ lại những dòng thơ của Bác :
“ Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”
Chợt chiêm nghiệm ra một tấm lòng sâu sắc, một niềm tin – yêu – quý mà Người đã dành cho ngành giáo dục, cho sự nghiệp trồng người, một sự nghiệp mà không bao giờ là vừa và đủ cả :
“Học, học nữa, học mãi”
(Lê Nin)
Bác Hồ ơi! Xin Bác cứ yên nghỉ giữa lòng dân tộc . Toàn Đảng, toàn dân và tất cả chúng con, những người gieo hạt nguyện sẽ vun xới những cây đời xanh tươi cho những mùa xuân đất nước.
Nguyễn Phước Tỉnh
Em còn nhớ Trà Don ngày ấy
Chiều lên thôn hai đứa đi cùng
Đường khúc khuỷu như cổng trời trước mặt
Hoàng hôn buông chim chiều giăng cánh lướt
Trong xóm nghèo vang dậy tiếng ê – a.
Đêm Trà Don hoang sơ miền cổ tích
Nhịp chày nghiêng theo những ché rượu cần
Đôi chân trần theo vòng xoè gọi bạn
Trong ánh lửa lồ ô chợt sáng
Mắt biếc xoe tròn sơn nữ ngây ngô.
Đêm Trà Don như dài thêm vô tận
Giấc ngủ theo về khi đã sang canh
Tiếng cuốc kêu giữa đêm trường lẽ bạn
Nồi cháo ngô như thách thức bạn đường.
***
Về Trà Don hôm nay hỡi bạn
Xe chạy bon bon, người vui như hội
Cầu bắt sang sông như dải lụa mềm
Nối đôi bờ bên nhớ- bên thương
Tôi rất yêu, tự bao giờ tha thiết
Mùi khói lên vươn những nếp nhà sàn
Trong nắng chiều còn thơm mùi nếp mớí
Chân sơn nữ thoắt thoăn cùng tiếng nhạc
Tiếng hát được mùa vang khắp trên nương
Lòng bâng khuâng tôi đứng lại bên đường
Nghe đất trời như chuyển mình thức dậy
Tim rung ngân giữa đôi bờ Hư – Thực
Trà Don bây giờ...ngỡ cứ như mơ.
Lê Kim Bảo
Có một dòng sông lặng lẽ về xuôi
Trong hoàng hôn tím
Sông có chở nỗi niềm em
Về nơi ấy không anh?
Khi nhịp sống của đời đi rất vội
Khi tình yêu hóa thân
trong lời giảng
Khi tiếng lòng vọng mãi
nhịp thời gian
Bởi mùa xuân đâu chỉ tuần hoàn
Thời xuân sắc đi qua
trong tháng ngày chờ đợi
và em mãi yêu anh
trong buồn vui lớp học
trong tiếng đọc bài
trong nhịp đập con tim
.
Hôm nay về lại trường xưa
Đôi hàng phượng vĩ đong đưa đón chào
Trên cành, lá hát lao xao
Mà như phượng đã nhập vào lòng tôi
Lòng tôi – giọt nắng bồi hồi
Trường xưa… lớp cũ… thầy tôi… đâu rồi ?
Thanh âm chi gợi bồi hồi
Nghe y hệt giọng thầy tôi vọng về…
Bao học trò đang học say mê…
“ Hậu sinh khả uý ” ! Đáng ghê lời thầy.
Về thăm trường cũ, nơi này
Ngẩn ngơ một bóng… đợi ai bây giờ
Châu Thị Thúy
Nguyên giáo viên trường
Năm 2005-2006
Nguyễn Thị Kim Thủy
Ngày còn bé
Con sãi chân theo mẹ
Nghịch trò đuổi bắt
Bởi bóng con bé nhỏ
Không theo kịp đỉnh đầu mẹ
Cười với con, với bố và gió mây
Mẹ thách đố – nếu con bằng mẹ
Tặng con yêu một dải ngân hà.
Biết gì đâu con ao ước một điều
Của riêng con tha hồ quậy phá.
Hai mấy năm – con vượt xa đỉnh đầu mẹ
Nhưng không thể đo
Bởi nắng gió cuộc đời
Cướp bóng mẹ
Chỉ còn lại chút sức già còm cõi
Quanh quẩn chiếu chăn . . .
Con xa xứ không một ngày phụng dưỡng
Sãi cánh non – không mẹ – giữa đại ngàn
Vi vút gió, nắng, mưa và sương khói
Đối diện chính mình, con đối diện những niềm tin .
Thân tặng chị em nhân viên nhà trường
Phía sau lớp học Cái nghề lo trẻ
Có những tấm lòng Cũng lắm bùi ngùi.
Những ngày nắng hạ ***
Những khi mưa đông. Trò dăm chục đứa
*** Chia đến mấy mâm
Phía sau lớp học Gạo ngày lên giá
Quả, củ, măng rừng Chia, xẻ từng đồng
Tay em hái nhặt Mong sao đủ ấm
Tay em thái, bưng. Mong sao no lòng
*** Cho từng trò nhỏ
Gạo vo nước suối Chẳng đứa nào không.
Măng nấu canh tươi ***
Những ngày gió rét Phía sau lớp học
Cực sao vẫn cười. Có những tấm lòng
*** Âm thầm lặng lẽ
Phía sau lớp học Những ngày mùa đông.
Bao nỗi buồn vui ***
Nguyễn Thanh Trường
Nguyên giáo viên của trường
Năm 2003 - 2005
Về quê ăn tết!
Đó là cả niềm háo hức. Dù cho bây giờ, cái “Tết quê” ở trong tôi đã bắt đầu dần phai, chỉ còn đọng lại điều gì như là trong kí ức, như sự chờ đợi hân hoan, như trong nỗi niềm đông qua rồi xuân lại đến . . . Những mùa xuân vùng quê nghèo bên sông, mai vàng ít nở, chỉ có những rặng sầu đông tim tím trắng toả hương thơm ngát một vùng. Hoa sầu đông đúng dịp xuân nở hết mình rồi tàn phai. Có lẽ đó là loài hoa ít được nhắc đến trong những câu ca hay những vần thơ ca tụng mùa xuân của những tài tử giai nhân trong trời đất thời khắc giao thừa.
Mươi, mười lăm năm trước, ngõ nhà tôi có rất nhiều sầu đông. Mỗi mùa hoa nở thường đúng vào dịp giỗ chạp. Mấy chị, mấy cô trên phố về mê mẩn ngắm khen hoa đẹp. Rồi gọi nó là gì ấy nhỉ? Là Hoa Xoan. Đó là lần đầu tiên, tôi được biết cây sầu đông mang một cái tên đẹp như tên thiếu nữ: “Xoan” chứ không phải :“Sầu Đông”, cũng không phải “Thù Đâu” như mẹ tôi thường hay gọi.
Xuân nhớ sầu đông là nhớ về một loài cây thân thuộc quê mình nhưng can trường giữa gió mưa, giá rét.
Xuân nhớ sầu đông là nhớ về một loài cây hữu ích, dễ trồng, không cần chăm bón nhiều mà vẫn mau lớn.
Không hiểu từ khi nào, những rặng sầu đông của làng tôi bị người ta đốn hết ...
Trên nẻo đường quê, mỗi dịp tôi trở về, thi thoảng vẫn còn một vài cây sầu đông lẻ loi, khép mình bên đường. Tuổi thơ tôi có những lần đuổi bướm bắt chim trong rừng sầu đông giữa những trưa hè, bị mẹ bắt được đánh đòn đau điếng.
Sầu đông ơi!
Nhớ lắm làm sao quên?...
Một mùa xuân nữa đã đến. Nắng xuân tràn ngập khắp đất trời. Mùa xuân cho ngàn hoa khoe sắc đua hương. Không còn những rặng sầu đông nở những chùm hoa tim tím trắng, báo tin xuân nhưng mùa xuân của nhân gian vẫn cứ đến...
Riêng tôi có một mùa xuân quê mẹ với những kí ức tuổi thơ nồng ấm hương sầu đông ngan ngát quyện cùng trầm nhan, cùng bánh chưng xanh nhà nhà đón Tết.
Xuân Ất Dậu 2005.
Nguyễn Thị Thu
Nguyên giáo viên trường
Năm 2004 -2009
Nguyễn Phước Tỉnh
Ta vẫn nhớ như in ngày ấy
Ngày Trà My chia tách làm đôi
Dẫu biết rằng tuy hai mà một
Nhưng lòng người sao mãi vấn vương.
Ngày chia tay, Bắc – Nam buồn day dứt
Người đi, kẻ ở, nhớ sao đành
Anh - Bắc Trà My chia tay bịn rịn
Em – Nam Trà My cất bước không đành.
* * *
Bao ánh mắt bao nụ cười chợt lắng
Để nhìn nhau trong những phút chia tay
Bao bà mẹ cầm tay con trẻ:
Lên đó rồi công tác tốt nghen con !
Người vợ hiền nhìn chồng tha thiết:
Cầu mong anh sức khoẻ dồi dào !
Bao con trẻ nhìn cha nũng nịu:
Không có quà con hỗng chịu đâu ?
Và còn nữa bao nhiêu tình nhân trẻ
Không nói gì nhưng nước mắt rưng rưng.
Buồn là thế nhưng không hề bi lụy
Dù chia tay nhưng chẳng chia li
Tuy chia cắt nhưng Bắc – Nam là một
Là anh em trong gian khó hào hùng.
Rồi một mai Nam Trà khởi sắc
Cùng Bắc Trà vững bước đi lên
Và khi ấy niềm vui đoàn tụ
Được nhân lên khi đất nước đẹp giàu.
Con trở về thăm lại dòng sông xưa
Tắm mát tuổi thơ một thời vụng dại
Con trở về thăm ngôi trường cũ
Nơi ngày xưa, thầy dạy chữ ê, a
Con trở về sau những năm tháng cách xa
Nghe vọng về ngày xưa ...
Thầy dạy con đánh vần ngọng ngiụ
Thầy cầm bàn tay – tay con nhỏ xíu
Dòng chữ ghập ghềnh như đường đến ... tương lai
Thầy vẫn miệt mài
Ươm mần xanh cho ngày mai
Mặc cuộc đời với bộn bề khó nhọc
Xin thầy hãy cho con được khóc
Được trở về nguyên vẹn ... tháng năm qua.
Nguyễn Thị Thiên Nga
Nguyên giáo viên trường
Năm 2005-2009
Đoàn Thị Kim Ngọc
Hai chúng ta
Chung nhau dãy Trường Sơn hùng vĩ
Những con đường xích lại gần hơn
Không còn xa xôi...
Xuôi một dòng sông bên lở bên bồi
Bao mong ước – mơ đổ về biển lớn
Bao yêu thương vun đầy theo con sóng
Vẫn vẹn nguyên một trái tim hồng.
Tháng ba gọi về những kỉ niệm còn xanh
Thôi thúc tuổi xuân đâu ngần ngại bước chân
Lưu dấu trên khắp nẻo đường quê
Lên ngàn xuống bể...
Cho một ngày lịch sử.
Dòng sông xưa vẫn đôi bờ tình tự
Chở tháng năm trôi theo con nước vơi đầy.
Cho lòng người mãi mãi đắm say
Cho màu nắng ngập tràn xanh dậy cả đồi nương
Cho đoá lan rừng nghiêng mình bên suối ngát hương...
Trà Don, tháng 3/2008
Có . . . !
Nguyễn Thị Kim Thủy
Có một làn gió . . .
Đuổi mây đi
Mang màu nắng dịu ngọt
Rắc lên ngọn đồi .
Có một dòng sông . . .
Lặng lẽ trôi
Mang hương sắc tình yêu
Gửi về xuôi .
Có những trái tim . . .
Nhuộm màu xanh biếc
Gửi chốn rừng thiêng
Thắp lên những ngọn nến đời.
NGHỀ GIÁO ĐỜI TÔI
Đêm đã khuya, mọi người như chìm sâu trong giấc ngủ. Chỉ còn mình tôi trong căn phòng nhỏ khu nội trú, miệt mài bên trang giáo án, chuẩn bị cho bài giảng ngày mai.
Ngày mai lên lớp, tôi sẽ nói những gì với các em đây ? Tôi thầm nghĩ và lặng nhìn trang giáo án còn soạn dở. Ôi, đẹp quá ! Những dòng chữ nghiêng đều trên trang giấy. Tôi cảm thấy hạnh phúc và sung sướng vô cùng. Niềm hân hoan hạnh phúc ấy vì sao cứ tràn ngập mãi trong tôi vậy ? Có lẽ vì tôi là người thầy giáo. Chỉ có người thầy mới có những giây phút như vậy. Từng đêm lặng lẽ với những trang giáo án, trăn trở bao điều, làm sao để ươm được những mầm xanh vươn thẳng, góp cho đời những tia nắng hồng rực rỡ ở ngày mai.
Soạn tiếp trang giáo án. Mân mê lật mở từng trang . . . Hình ảnh các em bé nhỏ cứ hiện lên len lỏi trong tôi, gợi tôi nhớ về một thời mơ ước . . .
Thời gian trôi mau thêu dệt biết bao kỉ niệm của một thời áo trắng thơ mộng, trắng trong chẳng thể nào quên được . . .
Ngày ấy, tôi – cô bé học trò ngây ngô nhìn dáng người thầy và thầm ước: “Mai này, mình được làm nghề giáo” để được đứng trên bục giảng với viên phấn trắng cầm tay, được ngắm nhìn những mái đầu xanh, những đôi mắt long lanh ngời sáng, để được rót cho các em hương thơm mật ngọt làm hành trang vào đời.
Và niềm mơ ước ấy đã chẳng phụ lòng tôi, mà gắn chặt đời tôi qua tháng năm cùng NGHỀ GIÁO.
Tôi đã đến với các em học sinh thân yêu bằng hành trang thầy tôi trao cho ngày ấy, bằng tất cả tình yêu thương nơi trái tim mình. Rạo rực niềm vui dõi theo các em từng bước mai sau . . . Trên mảnh đất tình – đời đầøy khát vọng, niềm tin và nghị lực. Ôi! NGHỀ GIÁO . . . đời tôi hạnh phúc vô ngần.
Triệu Hoàng Thanh Trà
Nguyên giáo viên trường
Năm 2003 - 2006
Ngụ ngôn hiện đại
Chuột và Mèo
Nguyễn Phước Tỉnh
Tự ngày xửa ngày xưa
Chuyện kể rằng lũ chuột
Tổ chức cưới linh đình
Đám rước dâu thật xinh
Có kiệu hoa, kèn, pháo . . .
Đám rước đi nửa chừng
Bỗng mèo ta xuất hiện
Đi nghênh ngang giữa đường
Lũ chuột như hiểu ý
Vội khúm núm xin thưa :
Chúng em chào quan bác
Hôm nay họ nhà em
Đám cưới cho thằng cả
Xin quan bác duyệt cho
Một chút thịt, ít cá
Cộng thêm cái phong bì
Chúng em gọi là quà
Mời quan bác xơi cho.
Mèo ta giương cặp kính
Giọng kẻ cả khề khà :
Chúc mừng cho thằng cả
Ta bận việc phải đi
Chúng mày cứ tổ chức .
Chuyện ngày xưa đã thế
Luật lệ bất thành văn
Muốn cho êm xuôi chuyện
Thì cần phải lo lót
Đi cửa sau hoặc quà
Người xưa sao khéo thật
Chỉ một đám cưới chuột
Lại có lắm điều hay./.
Người cứ đến như cơn giông buổi sáng
Người cứ đi như những giọt thời gian
Còn lại mình tôi trong khu vườn rộng
Tôi bơ vơ tìm nhặt cánh hoa rừng.
Còn lại tôi và ngọn gió nồm nam
Gọi tên anh trong bao thầm lặng
Nghe tình mình ngày càng xa ... xa vắng
Nghe hồn mình chừ hoang phế rong rêu.
Gọi tên anh trong nỗi nhớ hắt hiu
Ngày anh đi sương mờ nhoè phố xá
Trên vai anh giọt mưa nào cũng lạ
Nói điều gì cũng sợ gió bay đi ! ...
Từng giọt buồn, từng giọt ướt mi
Đã đọng lại – Đã hoá thành nỗi nhớ.
Đã theo tôi vô tình như bão tố
Một mình tôi vụng dại chốn hoang đường...
Nguyễn Thị Thu
Nguyên giáo viên trường
Năm 2004 - 2009
MỘT TIẾNG LÒNG
Nguyễn Mạnh
Khói lam chiều đồng quê ai thả ?
Lửng lơ ... vằng vặc mảnh trăng quê
Chợt câu ca dao, lời ru mẹ vọng về
Đón nỗi nhớ lòng con về quê cũ
Quê cũ tảo tần... một đời lam lũ
Vai mẹ già gánh nặng lo toan
Vầng trán cha hằn nếp gấp dọc gấp ngang
Của năm tháng và tình thương con trẻ ...
Lòng biết lòng thương cha... nhớ mẹ...
Nên ngậm ngùi trên từng bước chân xa
-Điều duy nhất khiến lòng con đau khổ
Xao xác lòng con – rừng chiều lá đổ
Gọi “ QUÊ HƯƠNG ” trong tiếng nấc giữa lòng.
Em đầu núi, anh cuối đèo
Ra đi vì lẽ ươm gieo mầm đời
Đến đây, hồn thấy thảnh thơi
Chim ca suối hát khắp nơi rộn ràng
Giọng thầy, cô giảng vọng vang
Trò qua giờ học, râm ran nói cười
Rừng cây, bãi đa,ù đất trời...
Vui không kể hết bằng lời được đâu!
Nguyễn Phước Tỉnh @ 20:48 31/03/2012
Số lượt xem: 2011
http://ptdtbttradon.blogspot.com/2012/05/lu-hoc-tro-vung-cao.html
http://toai73.violet.vn/
Tùng Toại kính chúc quí thầy cô giáo:
Sức khỏe vô biên, thành công liên miên,
hạnh phúc triền miên, túi luôn đầy tiền,
sung sướng như tiên.Chúc mừng năm mới.
Cảm ơn anh đã ghé thăm nhà em . Nhà em ở Duy Châu - Duy Xuyên - Quảng Nam , gần tháp Mỹ Sơn đó anh . Nếu có dịp mời anh đến với gia đình em một lần. Tụi em rất vui khi được đón tiếp vợ chồng anh .